- Trang chủ
- Trưởng Thành Và Những Cuộc Gặp Gỡ
- C7: Nơi ta sinh ra là nơi bình yên
Tác giả:
Hè này tôi cũng không có ý định về, bởi vì năm nay chúng tôi bắt đầu học muộn hơn mọi năm nên không có cách nào nghỉ hè sớm, chỉ được nghỉ một tuần.
Hôm qua bố tôi gọi, giọng ông trầm trầm, ấm ấm hỏi: "Thế khi nào con về?"
Tôi đáp: "Cuối tháng con mới được nghỉ, để lúc đó con về, con thi nốt mấy môn đã."
Ông không nói gì thêm, chỉ lẳng lặng tắt máy.
Bố tôi là người không giỏi thể hiện tình cảm, cuộc đời ông khắc khổ quá, mới ở tuổi bốn mươi vậy mà bề ngoài cứ tưởng đã năm mươi rồi. Tôi cũng không nói chuyện với bố nhiều, hàng tháng tôi cũng thỉnh thoảng gọi nhưng chẳng bao giờ nói chuyện được với nhau lâu cả. Dài là ba mươi giây hay ngắn hơn nữa là chục giây.
Hàng tháng ông ấy vẫn gửi tiền cho tôi đều đều, nhưng không hỏi thăm tôi bao giờ cả, tôi cũng gọi cho mẹ và mọi người ở nhà, nói mọi thứ đều ổn.
Bố tôi rất yêu thương các con của mình nhé, chẳng qua là không biết cách thể hiện ra bằng lời thôi. Đến cả thằng em trai của tôi mười chín tuổi, phá gia chi tử ông ấy cũng rất thương, chỉ muốn cho làm gần nhà.
Có lần tôi mới nói với bố là: "Bố để thằng Hà đi làm đi, đi ra ngoài để biết nhiều thứ bố ạ, nó mà ở nhà suốt thì làm sao khá lên được."
Đợt vừa rồi bố làm hồ sơ cho nó đi xuất khẩu lao động Nhật, nhưng nó kêu thi trượt rồi, chắc về ở với vợ con thôi. Tôi lắc đầu ngao ngán, không buồn nói gì.
Thực ra tôi cũng đã rất nhớ nhà, sống ở thành phố này quá lâu nghẹt thở lắm, từ trong ngõ ra ngoài đường đều là xe và xe, người đi lại tấp nập, không thấy được vẻ bình yên của vùng thôn quê, nếu ham nhìn thấy những ngọn núi phía chân trời thì phải cất công ra ngoại thành một chuyến.
Đều là thành phố Hà Nội, nhưng không khí ngoại thành đã rất khác nội thành rồi, những dòng người không còn đông đúc nữa, thưa dần những tòa nhà cao chọc trời thay vào đó là những ngọn núi phía xa xa thoát ẩn thoát hiện. Lâu lắm rồi tôi mới có dịp ra khỏi Đống Đa đó nhé, một ngày của tôi xoay quanh đi học rồi đi làm thật sự quá nhạt nhẽo rồi.
Tôi rất thích thiên nhiên ở quê, nhà của người dân nằm dài trong những thung lũng, cao nguyên đá vôi màu mỡ, những hàng cây xanh, ruộng bậc thang đẹp lạ thường khi đứng trên cao nhìn xuống, những đồi cỏ màu như cháy sừng sững giữa một khoảng trời bao la. Bên đường đàn trâu đang gặm cỏ, con cò đang bay xa dần, những nấm mồ lưa thưa bên vệ đường cùng trở nên sinh động.
Có người hỏi tôi có muốn sống hẳn ở thành phố không? Tôi phân vân, sống ở thành phố cũng tốt mà ở quê thì cũng rất tốt. Tôi vui cười đáp lại: "Nếu cháu lấy được chồng thành phố, hàng năm mùa hè cháu sẽ đưa con về ở với ông bà ngoại, cùng bạn bè đồng chăng lứa đi chăn trâu đuổi bò, hết hè cháu đón chúng nó về lại thành phố. Còn nếu cháu lấy chồng ở quê cháu sẽ tìm cách kiếm thật nhiều tiền để dẫn con đi du lịch nhiều một chút, để con biết chỗ này, chỗ nọ."
Tôi có rất nhiều dự định trong tương lai, tôi muốn ở gần bố mẹ nhiều hơn, nhưng ngành tôi học ở thành phố sẽ có triển vọng hơn, còn ở quê thì tiềm lực không nhiều. Bố mẹ tôi còn trẻ, ở nhà còn có hai thằng em trai, thằng Hà đã lấy vợ, sinh con. Thằng Long chuẩn bị vào đại học, nhưng nó không chọn đi học tiếp mà là đi học một nghề nào đó.
Nếu có ai đó hỏi tôi đâu là nơi bình yên nhất, thì có lẽ là nơi tôi sinh ra, tôi lớn lên ở đó từ nhỏ, có thể vùng quê tôi ở còn rất nghèo, nhưng đó là nơi đã nuôi lớn tôi, từ những hạt sương sớm đọng lại trên lá rau, hay những thửa ruộng đầy bùn đất, tôi đều cảm ơn vì đã có nó. Nếu không có nó tuổi thơ quả thật không còn là tuổi thơ, còn đâu những ngày tháng chăm bò bên vệ đường, nhìn từng đàn cò trắng bay lượn trên bầu trời xanh mướt. Mùa hè tiếng ve râm ran khắp mọi nẻo đường, nghe thật ồn ào mà cũng thật vội vã.
Tôi rời khỏi nhà lần đầu tiên năm mười bốn tuổi, một mình lặn lội theo chiếc xe khách xa xứ ở vùng đất Thái Nguyên để học thêm cấp ba, sau này nữa là Hà Nội, vùng quê ấy không phải là thanh xuân, nhưng mà là cả tuổi thơ đầy cánh cò trắng, đầy lời mẹ ru và cả tiếng bà gọi. Bình yên, êm ái trải qua một đoạn đường lịch sử rất dài, để rồi trở thành vùng đất của tôi, nơi bình yên nhất để trở về.