- Trang chủ
- Việt Ma Tân Lục
- Quyển 2 – Chương 13: Thiếu nữ oan nghiệt
Tác giả:
– Thầy tôi mệt rồi! Không muốn nghe hai người bịa đặt thêm chuyện nữa đâu.
– Bịa đặt chuyện gì? – Lang Trượng hỏi Thạnh.
Thạnh bối rối ra mặt, len lén nhìn thầy. Nó bỗng thấy hối hận vì đã không kể rõ ngọn ngành cho thầy nghe trước đó.
– Dạ! Con… con xin lỗi thầy. Do ban nãy muốn để thầy nghỉ ngơi một chút nên con chưa có thời gian thưa lại chuyện.
Lúc đó, Lang Trượng bất giác quay về phía Lan Phương, hỏi.
– Cô muốn nói chuyện gì?
– Chuyện về hồn ma đang ám vào cô gái kia. – Lan Phương nhướng mày nhìn về phía cô gái rồi thẳng thắn nói.
Advertisement / Quảng cáo
Lang Trượng bèn tiến lại phía Lan Phương, nhìn trừng trừng, gương mặt ông đỏ au, ánh mắt sắc lạnh cương nghị như mang hàm ý đe dọa. Nếu Lan Phương dám nói dối để qua mặt ông thì sẽ không biết xảy ra hậu quả gì đâu.
Thoáng sợ hãi hiện nhanh trên gương mặt vô cùng nhợt nhạt của Gia Huy. Lan Phương quắc mắt, hít một hơi thật khẽ để lấy lại bình tĩnh, rồi nói.
– Tôi đã nhìn thấy bóng dáng của người thiếu phụ, trong lúc ông làm lễ. Thậm chí ngày hôm qua khi cô gái chưa tới đây, chúng tôi đã mơ thấy một số hình ảnh.
– Mơ? – Lang Trượng ngạc nhiên hỏi lại Lan Phương.
Lan Phương gật đầu chắc nịch, nói tiếp.
– Tôi nhìn thấy người phụ nữ ấy, thoắt ẩn thoắt hiện, trên người cô ta mặc trang phục ngày xưa. Và thậm chí còn nhìn thấy… – Lan Phương bất chợt dừng lại, ngập ngừng như không muốn nói.
– Cô đã nhìn thấy gì nữa? Mau nói đi! – Lang Trượng sốt ruột giục Lan Phương.
– Một gương mặt vô cùng giận dữ, ánh mắt đầy sự hận thù. Sau đó… sau đó cái đầu của cô ta nát bét.
Nghe xong, Lang Trượng trầm ngâm, hướng ánh mắt cương nghị của ông về phía cô gái đang bị trói chặt bên cột nhà. Đầu ngoẹo hẳn sang một bên, mái tóc dài bê bết rũ xuống, nhìn không còn một chút sức sống. Nếu như không mau mau trục xuất linh hồn tà ma, tàn ác đang chế ngự cô gái đáng thương này thì e là khó mà giữ nổi sinh mạng. Từ bao nhiêu năm nay, hành nghề trừ tà cứu người, Lang Trượng chưa bao giờ phải chứng kiến cảnh tượng kinh hãi như thế.
– Chúng tôi cam đoan, tất cả những gì chúng tôi nói đều là sự thật. – Gia Huy bỗng lên tiếng khi thấy Lang Trượng im lặng quá lâu. Không thể để cả hai cứ oan ức như thế này mãi được. Chưa kể, nếu còn kéo dài thì không biết chuyện gì tồi tệ sẽ xảy đến.
– Thạnh! – Lang Trượng lên tiếng, nghiêm túc. – Mau cởi trói cho họ!
Thạnh nhìn thẳng vào nhóm Gia Huy, nhưng chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng cởi trói cho hai người họ.
– Cảm ơn ông! – Lan Phương nói.
– Dẫn họ xuống nhà dưới, ở khoang dành cho khách, tiện thể chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho họ, cả chăn mền nữa.
Sau đó, Lang Trượng dặn thêm đám trai làng phải hết sức để ý tới cô gái bị ám, nếu có động tĩnh gì thì phải báo ông ngay. Đoạn, Lang Trượng lẳng lặng xuống nhà dưới với vẻ mặt hết sức ưu tư.
Thạnh vâng lời thầy, dẫn Lan Phương và Gia Huy xuống khu nhà dành cho khách, rồi sau đó quay về nhà lớn để hầu thầy. Trong nhà, đèn leo lét. Thoảng qua không khí là mùi thuốc lá dịu êm – loại thuốc hảo hạng mà thầy được một người quen ở Thái Nguyên tặng trong dịp viếng thăm năm ngoái. Phải những dịp thật sự đặc biệt thì thầy mới đem chúng ra để thưởng thức. Thạnh len lén đẩy cửa rồi đi vào. Lang Trượng hút thuốc, mắt mơ màng, vẫn không thôi ưu tư.
– Thầy vẫn chưa ngủ ạ? – Thạnh lên tiếng đặng hỏi.
– Hút thuốc xong rồi ta mới ngủ. – Lang Trượng đáp.
Thạnh tiến lại gần chiếc trường kỷ, khẽ rót một chén trà mời thầy. Mục đích vẫn chỉ để tìm lời giải cho những thắc mắc vương vấn trong lòng.
– Nãy, chuyện hai người dưới xuôi nói, thầy thực sự tin ạ!
– Không hẳn. – Lang Trượng đáp. – Nhưng qua cách nói chuyện thì ta nghĩ họ không phải người xấu.
– Nhưng chẳng phải chính họ đã dẫn dụ lũ yêu ma tới vùng này sao? – Thạnh lại thắc mắc.
Lang Trượng chưa đáp vội, tay nhấc chén trà hẵng còn ấm lên để uống, rồi từ tốn nói.
Advertisement / Quảng cáo
– Chuyện ma quỷ ở vùng này có gì lạ đâu. Chẳng phải chúng ta đã sinh sống cùng ma quỷ bao đời nay rồi sao.
– Con biết vậy! – Thạnh nói. – Nhưng con e sợ có chuyện chẳng lành thôi!
– Ta biết. Rồi ta sẽ hỏi chuyện họ sau. Trước mắt hãy chờ anh em Thứ, Thất về xem có thu thập được thông tin gì không đã. Con thử ra ngoài hỏi thăm xem sao?
– Dạ, thầy. – Thạnh nói, rồi lủi ra ngoài.
***
Tờ mờ sáng hôm sau, hai anh em Thứ, Thất đã dậy từ rất sớm, chuẩn bị đồ đạc lên đường. Trời vẫn chưa sáng hẳn. Sương mù phủ trắng cả không gian núi rừng.
Người đàn ông còn dậy sớm hơn cả hai anh em, bên bếp lửa cháy lép bép, trên chiếc kiềng có bắc một nồi gì đó đang sôi lục bục, tỏa mùi thơm phưng phức khắp nhà.
– Hai Lan dậy rồi! Mau rửa mặt, vệ sinh rồi qua đây ăn bát cháo ngô.
Ăn xong thì trời sáng rõ hơn, tuy sương mù vẫn chưa tan hẳn. Người đàn ông nói, gần đây, hầu như sương không bao giờ tan, nên không gian vẫn cứ mờ mịt như thế cả ngày.
Người đàn ông đem theo một cái gùi chuyên để đựng măng, một con dao rựa sắc, kèm theo một cây lao mà đầu đã được bịt lại bằng sắt, sắc nhọn, phòng trường hợp bất trắc.
Họ lên đường ngay sau đó, men theo con đường đất đỏ, uốn quanh cánh đồng Nà Thượng như một con rắn vẫn ngái ngủ trong sương sớm. Lúc đi qua miếu cô Thị, Thất khẽ rùng mình, tuyệt nhiên không dám nhìn về gốc cây đa, nơi cô Thị từng treo cổ tự vẫn.
Đi thêm một đoạn ngắn thì người đàn ông lên tiếng.
– Trước chúng tôi cũng định phá miếu cô Thị đó chứ? Chẳng hiểu sao hồi đó dại dột, ngu muội gì mà lại nảy sinh ra cái ý tưởng đấy!
– Rồi sau sao ạ?
– Vài thanh niên trai tráng trong bản đã chuẩn bị nào búa tạ, nào xà beng, dây thừng, tính phá cái miếu. Khi ấy, chẳng hiểu nghe ai đồn đại, tất cả đều cho rằng chính oan hồn cô Thị và cái miếu đã gây nên những chuyện khủng khiếp này.
Ý người đàn ông nói tới chuyện đất đai dưới ruộng không thể trồng cấy và canh tác được.
– Chuyện sau đó sao nữa ạ? – Thứ sốt ruột hỏi vì muốn nghe hết câu chuyện kỳ lạ này.
– Đúng lúc chúng tôi định kéo đổ cái miếu thì bất chợt trên nhà có tiếng la hét, một ngọn lửa cháy bùng lên dữ dội. Không chỉ có một nhà, mà vài nhà xung quanh đều thế. Sau ai cũng sợ hãi, vì bà cô Thị có lẽ linh thiêng quá, nên không ai có ý định kéo đổ cái miếu ấy nữa. Sau này, khi mọi người chuyển đi vùng khác để sinh sống, thi thoảng ngày mùng Một hằng tháng, hai vợ chồng tôi vẫn mang lễ tới cúng. Nên từ đó, bình yên hẳn. Duy chỉ có đất dưới ruộng vẫn không thể nào trồng cấy được thôi!
Kết thúc câu chuyện phiếm, họ ngược con đường đỏ, băng qua cánh đồng cỏ gianh. Đạp tới đâu, sình lầy từ dưới thảm cỏ ứa ra thứ nước đỏ au, pha lẫn ánh đen sền sệt, trông ghê rợn vô cùng. Người đàn ông nói, theo trí nhớ của mình thì mộ cô Lại được chôn đâu đó dưới chân núi Nà Thượng nằm bên cạnh một cái hang khá nhỏ. Vì có tới hàng chục cái hang cả lớn, cả nhỏ dưới chân núi Nà Thượng, thế nên e là họ sẽ phải mất cả buổi sáng để tìm.
Đi gần tới nơi, thì họ đã thấm mệt. Thất bèn hỏi.
– Lùng cũng không nhớ chính xác vị trí của ngôi mộ sao?
– Tôi không nhớ rõ lắm đâu. Vì chỉ nhìn thấy nó một vài lần thôi! Tôi nhớ lần đó, khoảng mười một tuổi, theo Pò, Mệ[1] lên núi đào măng, săn dúi. Đang tung tăng thì bắt gặp một con thỏ có bộ lông màu xám rất đẹp. Khi ấy, tôi định đuổi theo, nhưng Pò, Mệ ngăn lại, bảo không phải là thỏ đâu, chỉ là ma quỷ nơi này đang trêu ngươi người ta để dẫn dụ vào những nơi nguy hiểm thôi.
Người đàn ông kể thêm, sau đó Pò của ông bảo, phía bên chỗ bụi cây dương xỉ um tùm kia, cạnh một cái hang nhỏ có đặt năm phiến đá tượng trưng cho đầu, hai tay và hai chân – loại bia mộ đặc trưng của người Mường dưới Nà Hạ. Ở đó, chính là nơi mà người nhà Lang đã chôn cô Lại.
Advertisement / Quảng cáo
Bất giác, nét mặt người đàn trở nên hết sức nghiêm trọng, tái nhợt đi, thoáng kinh hãi hiển hiện trong ánh mắt.
– Tối hôm đó khi trở về, đi ngủ, tôi lại nằm mơ thấy mình đang tiến lại gần bụi cây dương xỉ ấy. Và trên những nấm mộ, có một người con gái đang ngồi xõa tóc, vừa chải tóc, vừa hát lên những điệu khúc ai oán, thê lương. Rồi khi cô ta ngoảnh lại, tôi chỉ thấy hai hốc mắt đen ngòm, với cái miệng mở rộng đầy đất, cát.
Sau đó, cả ba người men theo chân núi Nà Thượng đi quanh những cái hang để kiểm tra phần mộ cô Lại, nhưng tới gần trưa vẫn không thấy gì. Họ thấm mệt, ngồi thở dốc, trên một phiến đá.
Người đàn ông thẫn thờ, lên tiếng.
– Tôi e là hai Lan hôm nay không thể tìm thấy mộ cô Lại đâu. Dựa theo trí nhớ hồi nhỏ thì cũng không được chắc chắn lắm. Mà sắp tới chính ngọ rồi, người bản tôi nói, tới chính ngọ mà vẫn còn lưu lại rừng Nà Thượng thì e là điều dữ sẽ lại tới. Hai Lan thông cảm cho tôi nhé!
– Không sao đâu! Lùng đã tận tình giúp chúng cháu rồi. Ít nhiều, đã thu thập được chút thông tin để báo với thầy. Thế nên, giờ có lẽ chúng ta phải về mau thôi, cũng gần chính ngọ rồi. – Thất nói.
Cuối cùng, ba người xuôi xuống con đường mòn lổn nhổn đá cuội trắng, dẫn thẳng xuống con đường đất đỏ.
Chính ngọ, một cơn gió bất chợt nổi lên… cuốn lớp bụi đường, bay mù mịt nhuốm đỏ cả không gian. Từ đằng xa, cách miếu cô Thị chừng nửa dặm, một đoàn người, với chiêng trống phát ra những âm thanh ai oán, đang từ từ tiến lại. Đi phía trước là một người thấp bé cầm theo lọng, gương mặt trống rỗng vô hồn, gần như không có da, có thịt. Trên đầu đội một cái mũ kiểu giống mũ bê rê của người Pháp đã rách tươm, hai hốc mắt trắng dã không tròng đen. Còn trên chiếc kiệu lớn là một người đàn ông tướng tá phương phi, gương mặt đen sì như đồng hun, ánh mắt thì đỏ khé như mãng xà. Bất giác, ông ta nhìn xuống phía Thất, cơ miệng chuyển thành một nụ cười méo xệch để lộ những chiếc răng vàng khè gớm ghiếc. Xuôi ánh mắt về phía đằng sau cái kiệu, Thất nhìn thấy một chiếc xe kéo, trên xe là một chiếc bao bố lớn được cố định bằng những sợi dây gai chắc chắn vô cùng. Những người tháp tùng xe, ai ai cũng có gương mặt xám xịt, da héo quắt lại, trông gương mặt chẳng khác gì đầu lâu. Nhưng lạ thay, ai ai cũng đều mang một ánh mắt hiểm ác, quỷ quyệt.
Đoàn người đi nhẹ như lướt, chẳng mấy chốc lại mất hút ở chân núi Nà Thượng – nơi đâu đó, giữa bụi cây dương xỉ, bên cạnh một cái hang đá nhỏ là phần mộ của một người thiếu nữ oan nghiệt, bị hành hạ dã man rồi chôn sống.
[1] Theo tiếng Thái có nghĩa là bố, mẹ.